Mời các mẹ cùng tham khảo, đặc biệt là các mẹ đang mang bầu. Bài được dịch bởi Nguyễn Quỳnh Mai và đã được Chuyên gia Betibuti hiệu đính. Chúc các mẹ tự tin nuôi con bằng sữa mẹ!
Vắt sữa non trước khi bé yêu của bạn chào đời
Khởi đầu tốt đẹp: Vắt và trữ sữa non trong những tuần cuối thai kỳ có thể tạo ra sự khác biệt cho sức khỏe của bé.
Trong hoàn cảnh hoàn hảo, sữa non (thứ sữa có màu vàng, giàu kháng thể được sản xuất từ quý hai của thai kỳ) là thức ăn đầu tiên tốt nhất của bé sơ sinh.
Được coi là "mũi tiêm chủng đầu tiên" của bé, sữa non hỗ trợ kích hoạt các phản ứng miễn dịch đầu tiên trong ruột bé sơ sinh, thúc đẩy sự phát triển của hệ khuẩn đường ruột có lợi và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn có hại. Sữa non cũng làm tăng nhu động ruột, giúp bé sơ sinh tống phân su ra ngoài. Điều này làm giảm tái hấp thu bilirubin và giảm nguy cơ vàng da khi mức bilirubin tăng cao.
Thật không may, dù lợi ích của sữa non to lớn như vậy, với một số điều kiện y tế và một số trường hợp có vấn đề với mẹ hoặc bé, hoặc cả hai, trẻ sơ sinh bị cho bú sữa công thức để tráng ruột bé. Chẳng hạn, đặc biệt như bé sơ sinh của các bà mẹ bị tiểu đường có nguy cơ bị hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp) trong vài giờ đầu tiên sau khi sinh, mặc dù sữa non rất hữu ích để ổn định lượng đường trong máu bé, bé lại bị cho bú sữa công thức.
Bé sơ sinh có thể được bón ăn sữa non bằng một ống tiêm (xy lanh).
Cách để giảm nguy cơ bé của bạn bị tráng ruột bằng sữa công thức trong giai đoạn vàng này là vắt và trữ sữa non từ những tuần cuối thai kỳ. Việc thảo luận với bác sĩ của bạn rất quan trọng. Bạn hãy viết một kế hoạch sau sinh để tất cả mọi người chăm sóc mẹ con bạn biết mong muốn của bạn - ngay cả trước khi bé được bú cữ đầu tiên.
Trước đây không lâu, vào những năm 1960 và 70, người mẹ được khuyên nên vắt sữa non trong cuối thai kỳ, để giúp thông thoáng ống dẫn sữa và tăng sản xuất sữa non. Cũng có bằng chứng cho thấy rằng những phụ nữ vắt sữa trong thai kỳ tự tin hơn với việc cho con bú ngay sau khi sinh.
Mặc dù vậy, lời khuyên về tiền sản này hiện đã bị bỏ rơi, có lẽ do những lo ngại về sự kích thích núm vú có thể gây chuyển dạ sớm. Nhưng nghiên cứu gần đây - trong đó có nghiên cứu về phụ nữ tiếp tục con bú trong khi mang thai lần sau - cho thấy các cơn co thắt tử cung chỉ xảy ra sau khi cơ thể có sự nhạy cảm với lượng oxytocin tăng lên trong tử cung, khi mà cơ thể người mẹ đã sẵn sàng để sinh em bé.
Điều này có nghĩa là sự kích thích núm vú sẽ không gây ra chuyển dạ trừ khi bạn đã đến kỳ sinh nở. Tuy nhiên, nếu bạn có tiền sử sinh non, việc vắt sữa trước sinh có thể bị chống chỉ định; nếu có cơn co xảy ra trong khi bạn đang vắt sữa, hãy ngừng lại và báo với chuyên gia y tế của bạn.
Làm sao để thu hoạch sữa non?
Để bắt đầu thu hoạch sữa, bạn sẽ cần ống tiêm 1ml và 3ml, dễ dàng mua được ở các hiệu/ nhà thuốc. Bạn cũng sẽ cần túi nhựa có khóa để cất ống tiêm chứa sữa trong tủ đá.
- Bạn có thể bắt đầu vắt sữa bằng tay mỗi ngày một lần lúc 36 tuần (trừ trường hợp người chăm sóc sức khỏe của bạn tư vấn khác - ví dụ, nếu bạn đang chuẩn bị sinh sớm vì lý do y tế, hoặc bạn đang ở trong tình trạng sắp sinh). Bạn có thể tăng lên vắt sữa hai hoặc ba lần một ngày.
- Tốt nhất là vắt sữa là sau khi tắm, khi bầu ngực của bạn ấm áp và tay bạn sạch sẽ. Nếu không bạn hãy rửa sạch tay và chườm ấm ngực trước khi bắt đầu.
- Nhẹ nhàng xoa bóp ngực xuôi về phía núm vú để kích thích phản xạ "xuống sữa".
- Giữ đầu ti của bạn với ngón cái ở trên và ngón trỏ ở dưới quầng vú (vùng da sẫm màu quanh núm vú), ấn về phía ngực, không ấn về phía núm vú. Cố gắng bắt chước nhịp điệu của một em bé đang mút ti mẹ
- "ép, mút, nhả". Khi sữa ngừng chảy, di chuyển ngón tay của bạn quanh đầu ti để kích thích những tia sữa khác.
- Vắt trong khoảng 3-5 phút mỗi bầu vú. Khi bên này ngừng ra sữa thì chuyển sang bên kia. Lặp lại như vậy, mỗi vú được vắt hai lượt trong một phiên.
- Khi sữa non xuất hiện từng giọt, bạn thu chúng vào một ống tiêm. Nếu sữa của bạn chảy nhiều, bạn có thể hứng vào một cái ly/ cốc y tế sạch hoặc thìa (đã rửa sạch bằng nước nóng và khô), sau đó rút sữa non vào ống tiêm.
- Cất sữa non đã vắt trong ngăn mát tủ lạnh giữa mỗi lần vắt nếu bạn sẽ tiếp tục trữ thêm sữa vào ống tiêm đó.
- Bạn có thể trữ sữa non trong ống tiêm nếu bạn dùng một ống tiêm mới mỗi ngày. Cất ống tiêm vào một túi nhựa có khóa trong tủ đá, và dán nhãn cho mỗi túi ghi ngày bạn vắt sữa . Sữa non có thể được lưu trữ đông trong ngăn đá tủ lạnh trong ba tháng, và trong một tủ đông chuyên dụng đến sáu tháng.
- Ngừng vắt sữa nếu các cơn co thắt xảy ra.
Nếu bạn đã vắt sữa, hãy nhớ mang theo những ống sữa của bạn khi đi sinh bé, và hãy đảm bảo nó được cất trong một tủ đông lạnh gần đó. Soạn thảo trước kế hoạch sau khi sinh bao gồm việc da tiếp da càng sớm càng tốt ngay sau sinh; cũng bao gồm cả việc trì hoãn cân bé và tắm bé, như vậy bé sẽ giữ mùi màng ối lâu hơn (cũng đừng rửa ngực của bạn trong ngày đầu tiên, vì bé có thể theo mùi ối này tìm vú dễ dàng hơn). Cuối cùng, cầu cứu đến "Sữa non trữ đông cho bé, nếu cần."